Ngồi buồn nhớ…Phở

Ở Sydney, ăn Phở trong những nhà hàng rộng rãi thoáng mát, ấy thế mà lại nhung nhớ Phở Bưng hàng Trống, Phở Gánh hàng Chiếu,… toàn mấy quán Phở vỉa hè quanh phố cổ, vài ba chiếc ghế nhựa vừa làm chỗ ngồi vừa làm bàn ăn, mấy đứa bạn quây quần túm tụm nhau cho đỡ vướng đường người ta đi lại, mà cũng để vơi bớt cái lạnh tê tái cắt da cắt thịt của mùa đông Hà Nội… Ngồi bưng tô Phở mà ngắm nghía ngó nghiêng được quán xá phố phường, mới thấy vui thú cái “đặc sản” quán cóc vỉa hè của người Việt.


Hôm trước cho đứa bạn đọc một bài tản mạn vài dòng về Hà Nội của tôi mang cái tựa: “Hà Nội của tôi có gì?”. Đọc xong bạn tôi chốt một câu trước tiên: “trưa vừa mới ăn Phở nhưng đọc bài này xong phải đi ăn Phở tiếp ngay đã!”.

Đi du học, mỗi khi nhớ nhà là nhớ nhiều thứ lắm! Nhớ gia đình, bè bạn, nhớ những con phố ngả đường đã thuộc làu từng cái ngã tư hay ổ gà, ví như có nhắm mắt cũng dễ dàng đi qua. Nhớ cả mùa đông Hà Nội, nhớ phố cổ bờ Hồ, nhớ hồ Tây lộng gió, và nhớ…Phở. Ngày xưa đọc “Hà Nội băm sáu phố phường”, vẫn ấn tượng sâu sắc lắm cái cách mà Thạch Lam miêu tả tô Phở: “Phở ngon phải là phở cổ điển, nấu bằng thịt bò, nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai. Chanh ớt với hành tây đủ cả, rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm ít cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ”. Lúc ấy mới giật mình: cớ làm sao món Phở mình ăn hàng ngày có thể được biến hóa trở thành một thức quà nghệ thuật đầy mĩ miều, tinh vi và duyên dáng đến nhường ấy chỉ qua việc nêm nếm thêm chút gia vị ngôn từ. Quả là các vị nghệ sĩ hào hoa lãng mạn như Thạch Lam, Vũ  Bằng hay Nguyễn Tuân thật biết cách khiến cho con người ta phải tò mò và khát khao, hoặc không thì nhớ nhung và thèm thuồng hết nấc!

Đi du học, các bạn nước ngoài ai nghe nói mình là người Việt Nam đều tấm tắc xuýt xoa khen Phở, lại tận tình chỉ thêm có quán này, quán kia ở quanh đây ngon lắm, nhất định phải tới thử. Tôi cũng đã ghé qua ăn nhiều nơi, tính đến nay chắc cũng trên dưới chục quán, nhất là mỗi khi nỗi nhớ nhà trỗi dậy làm cồn cào ruột gan, khiến cho nỗi thèm ăn đồ Việt Nam cũng vì đó mà thức giấc. Phải công nhận là Phở của hầu hết những nơi nổi tiếng ở Sydney tôi được giới thiệu đều khá ngon, đặc biệt là những quán ăn nằm trong khu người Việt. Nhưng hình như vẫn có gì khang khác. Cũng vẫn là Phở do người Việt nấu đó, vẫn thấy đủ vị của quế, gừng, đại hồi, đinh hương, hạt ngò, sá sùng, thảo quả, hành tây, bột nêm, vân vân và mây mây, mà sao cảm thấy còn thiếu gì nhiều lắm.

(Phở Thìn Lò Đúc ở Melbourne vẫn giữ được hương vị lâu đời làm nên thương hiệu phở Thìn Hà Nội)

Lúc đầu nghĩ chắc do mình quen ăn Phở Hà Nội, thanh trong dịu nhẹ nên không hợp với vị Phở Sài Gòn có phần hơi ngọt so với khẩu vị (ở thành phố tôi đang sống hầu hết các quán Việt bán Phở đều làm theo phong cách Phở Sài Gòn). Nhưng ăn nhiều thì cũng quen, cũng thấy Phở miền Nam có cái ngon miệng đậm đà riêng của nó, ăn kèm với nhiều loại rau thơm nên hương vị càng thêm đa dạng. Dẫu sao Phở cũng đã vượt xa khỏi cái gọi là “đặc sản vùng miền”, và mang cái đặc quyền được làm quốc hồn, quốc túy của người Việt từ rất lâu rồi… Tóm lại thì, ăn Phở ở nước ngoài hầu như lúc nào cũng thấy ổn, chỉ có điều lần nào cũng thấy thiếu vắng một điều gì quen thân lắm.

Ngồi Sydney nhớ Phở. Nhớ món Phở một phần, thì hai phần nhớ về những kỉ niệm quanh bát Phở. Ấy thế là lấy máy tính viết ra dăm ba dòng thế này:

“Hà Nội của tôi có quán Phở bò nho nhỏ, ngày bé tối tối lại được bà, được mẹ dẫn ra đầu ngõ ăn khuya một bát Phở không ớt không hành, kèm quả trứng trần ngầy ngậy và vài ba chiếc quẩy giòn tan. Và thế là, món Phở đã lớn lên cùng tuổi thơ tôi như thế…Ấy thế là mỗi lần về nước, trong danh sách việc cần làm bắt buộc phải có đi ăn ngay một tô Phở bò. Phở Thìn Lò Đúc, Phở Lý Quốc Sư, Phở gia truyền Bát Đàn,…đi đâu cũng được, ăn sáng trưa chiều tối hay đêm khuya gì cũng được, miễn là được thỏa mãn vị giác với cái vị thanh trong của nước Phở, vị đậm đà của miếng bò tái chín, cay chua ngọt bùi hòa quyện không thiếu không dư thì đã là mãn nguyện đến tê người…!”.

Ở Sydney, ăn Phở trong những nhà hàng rộng rãi thoáng mát, ấy thế mà lại nhung nhớ Phở Bưng hàng Trống, Phở Gánh hàng Chiếu,… toàn mấy quán Phở vỉa hè quanh phố cổ, vài ba chiếc ghế nhựa vừa làm chỗ ngồi vừa làm bàn ăn, mấy đứa bạn quây quần túm tụm nhau cho đỡ vướng đường người ta đi lại, mà cũng để vơi bớt cái lạnh tê tái cắt da cắt thịt của mùa đông Hà Nội. Bát Phở khi ấy không chỉ ngon (như thường lệ), mà còn ấm bụng những ngày đông buốt giá. Ngồi bưng tô Phở mà ngắm nghía ngó nghiêng được quán xá phố phường, mới thấy vui thú cái “đặc sản” quán cóc vỉa hè của người Việt.

(Phở bưng Hàng Trống) (Ảnh sưu tầm: Internet)
(Phở gánh Hàng Chiếu mở cửa từ 3h sáng) (Ảnh sưu tầm: Internet)

Ở Việt Nam, ăn tô Phở có khi chỉ để cho no cái bụng bữa sáng, trưa, chiều, tối, hoặc sang hơn là để thưởng thức một thức quà quen mà lạ, hay có khi là để giới thiệu quảng bá cho bạn bè năm châu mỗi dịp lui tới. Ra tới nước ngoài, ăn Phở là để Sướng, để Vui, để Nhớ. Tô Phở vừa mang ra, mới hít hà thôi đã thấy Sướng; vừa ăn Phở mà vừa thấy ngây ngất rộn ràng Vui trong lòng; ăn xong bữa vừa buông đôi đũa đã lại xuýt xoa thấy Nhớ thấy thèm rồi. Cũng chẳng biết thèm được thêm tô nữa để khỏi bõ công lặn lội tới quán, hay để bớt thèm được về quê…

Đi thật xa để trở về, để được húp trọn bát Phở mà như muốn ôm hết vào mình bao kỉ niệm đang ùa về tưởng như có vô tình lãng quên: Bát Phở đầu ngõ của những ngày con nít; bát Phở của những tối muộn đi học thêm về khuya trước mỗi kì thi chuyển cấp; bát Phở được bố mẹ mua về nhà cho ăn của những ngày ốm đau nằm giường; bát Phở của những sáng cuối tuần hiếm hoi có đủ động lực dậy mà dành thời gian cho một thứ xa xỉ phẩm mang tên “quà sáng”;…

Quả đúng như người ta vẫn thường bảo mà: “Đôi khi ta yêu một thành phố không phải vì ở đó có gì, mà là bởi ở đó có ai…!” Xa nhà, nhớ Hà Nội là nhớ tới Phở, thèm Phở mà lòng lại nhớ về Hà Nội. Đi thật xa mới thấy, hình như tự lúc nào bát Phở cũng đã trở thành một “Ai” đó rồi! Bởi nó đã cùng mình mà lớn lên, bởi nó đang ở quê nhà mà gìn giữ nâng niu cho mình cả một tuổi thơ hồn nhiên và ngây thơ, một tuổi mới lớn ẩm ương và mơ mộng, một tuổi trẻ nhiệt huyết và trưởng thành…

Ngồi buồn mà tự nhiên nhớ Phở. Chẳng rõ vì bụng đang đói, hay vì lòng đang mơ…

(Ảnh sưu tầm: Internet)

Leave a comment