Xa nhà và câu chuyện muôn thuở “Bao giờ lại tới Tết?”

“Có hai thứ mà đời người không nên bỏ lỡ. Một là chuyến tàu cuối cùng về nhà, hai là những người thật lòng yêu thương ta.” Một dịp cuối năm nào đó, vì khoảng cách địa lý, hay vì còn trăm mối lo khác phải bận tâm, mà đành ngậm ngùi bỏ lỡ chuyến tàu quê cuối cùng để được trở về nhà trước thềm năm mới gõ cửa, bỏ lỡ thời khắc giao thừa thiêng liêng bên gia đình, bên bè bạn, bên những người yêu ta thật lòng, mới thấy thấm thía thế nào là cay cay nơi khóe mắt khi Tết đã về trên quê hương mà mình thì còn ở xa lắm.


(Hà Nội một sáng mùng 1 Tết) (Ảnh sưu tầm: Internet)

Một sáng thức giấc nhìn ra ngoài khung cửa sổ, bỗng thấy bầu trời hôm nay sao trong xanh đến thế. Tự hỏi mình hình như mùa đông đang sửa soạn để chuẩn bị rời đi, bởi chợt thấy ngoài kia những tia nắng ấm áp đầu tiên bắt đầu le lói sà xuống hàng cây, lách mình qua những chồi non mơn mởn đang cựa mình thức giấc. Tự nhiên thấy lòng khoan khoái hào hứng đến lạ, bởi một mùa xuân sắp tới, bởi xuân tới nghĩa là Tết sắp về…

Ấy là cảm xúc của tôi vài năm về trước. Giờ đây khi đang sinh sống ở Úc nơi có hai mùa hạ đông trái ngược so với Việt Nam (hay so với cả phần còn lại của thế giới!), những ngày đầu tháng Một giữa hè nắng nóng chói chang oi ả lại khiến tôi nhớ về Việt Nam thật nhiều, bởi biết rằng Tết nguyên đán đang đến thật gần. Lại háo hức mua sắm, săn vé máy bay, sắp xếp công việc…những việc tôi đã rục rịch bắt đầu làm từ nhiều tuần trước (hay nhiều tháng trước?), nhưng hình như phải tới khi Tết đang thầm thì bên tai mới thấy lòng tràn đầy hứng khởi mà muốn gấp rút hoàn thành mọi việc thật nhanh chóng. Bởi Tết sắp đến rồi, Tết đến để đưa mình về nhà đây…!

(Ảnh sưu tầm: Internet)

Những năm tháng xa nhà, tôi thường có những kỉ niệm đầy thú vị và đáng nhớ vào những ngày cuối năm, vốn bận rộn nhưng mỗi lúc rảnh rỗi lại ngồi tìm tòi nghiên cứu mua vé máy bay. Vé khứ hồi Sydney-Hà Nội, bay hãng nào, ngày bao nhiêu, giờ giấc như thế nào cho khớp với công việc của mình, cho vừa với túi tiền của mình. Háo hức bởi như đã nhìn thấy ngôi nhà quen thuộc hiện lên rõ nét ở ngay trước mắt; bởi khoảng cách giữa mình và nhà không còn là 7762 cây số mà dường như đã thu bé lại chỉ bằng một tấm vé; bởi ngày trở về dẫu có xa xôi tới đâu cũng không còn mông lung và đầy trăn trở nữa mà đã có thể đếm ngược được từng ngày.

Xa nhà những ngày cuối năm, câu chuyện muôn thuở của tôi và chúng bạn, hay có lẽ là của hầu hết những người con xa quê khác luôn mở đầu bằng một nỗi niềm man mác: “Lại sắp đến Tết rồi nhỉ…!” Và nối tiếp đó là những lời hỏi thăm: “Tết này có về không?”, “Đã mua được vé máy bay chưa?”, “Có sắm sửa được gì chưa?”…

Có những ngày, nỗi nhớ nhà lẩn trốn đâu đây lâu nay bỗng cồn cào bật dậy, khiến ta chợt ước ao thèm khát được về nhà ngay lập tức, nhưng không phải lúc nào hoàn cảnh của mình cũng ủng hộ, thế là lại ngậm ngùi dặn lòng kiên nhẫn chờ đợi tới cuối năm, lại lâu lâu bộc bạch cùng nhau nỗi lòng “Bao giờ mới lại đến Tết nhỉ…?”.

(Phố Hàng Mã – Hà Nội những ngày giáp Tết) (Ảnh sưu tầm: Internet)

Xa nhà, tôi thích cảm giác cả năm làm lụm tiêu xài nhưng không quên để dành một góc khoản tiết kiệm ít ỏi của mình mua vé về Việt Nam những ngày giáp Tết. Tất nhiên không phải cứ là Tết mới cho phép bản thân được về nhà, nhưng cứ đến Tết thì chắc chắn phải cố gắng mà sắp xếp để về. Phần vì là nhớ nhà, và cũng vì là nhớ Tết.

Nhớ những con phố nẻo đường ngập tràn sắc xuân, nắng ấm ướm mình trên từng hàng cây ngọn cỏ;

nhớ những làng hoa, chợ hoa tấp nập kẻ bán người mua, khuôn mặt ai ai cũng rạng ngời phấn khởi;

nhớ những bữa cơm đoàn tụ cùng gia đình, những lời chúc nhau năm mới đầy ấm áp yêu thương;

nhớ cả hương vị của bình yên, trầm lắng mà thanh lịch, nền nã bao trùm nơi phố cổ Hà Nội, ôm ấp cái hơi thở của Tết xưa…

(Sắc đào ngày xuân) (Ảnh sưu tầm: Internet)
(Một góc phố cổ Hà Nội ngày Tết) (Ảnh sưu tầm: Internet)

Xa nhà, nghĩ đến Tết không còn chỉ là hào hứng và rạo rực niềm vui nữa, mà dường như len lỏi trong đó còn có một nỗi niềm thổn thức và bâng khuâng khó tả: không biết Tết này có về được không? Bởi ai đó từng nói: “Có hai thứ mà đời người không nên bỏ lỡ. Một là chuyến tàu cuối cùng về nhà, hai là những người thật lòng yêu thương ta.” Một dịp cuối năm nào đó, vì khoảng cách địa lý, vì còn dang dở công việc, hay vì còn trăm mối lo khác phải bận tâm, mà đành ngậm ngùi bỏ lỡ chuyến tàu quê cuối cùng để được trở về nhà trước thềm năm mới gõ cửa, bỏ lỡ thời khắc giao thừa thiêng liêng bên gia đình, bên bè bạn, bên những người yêu ta thật lòng, mới thấy thấm thía thế nào là cay cay nơi khóe mắt khi Tết đã về trên quê hương mà mình thì còn ở xa lắm.

(Đêm 30 Tết)

Hơn ba năm xa nhà, bốn cái Tết đã trôi qua, tôi thấy mình thật may mắn làm sao khi được trải qua trọn vẹn bốn cái Tết ấy ở quê nhà. Bỗng thở phào nhẹ nhõm vì mình vừa làm được một việc thật ý nghĩa mà năm nào bản thân cũng ấp ủ phải hoàn thành, ấy là lời hứa trở về

Vẫn là không khí Tết đầm ấm thân quen ấy, nhưng sao cảm xúc lại thật khác. Không biết vì mỗi năm mình lại lớn lên thêm một chút sau những chuyến đi xa, hay vì đi xa mà làm cho nỗi nhớ Tết thêm mặn mà sâu đậm. Xen lẫn với những niềm vui tiếng cười thân thương quen thuộc, lại bỗng miên man một nỗi bâng khuâng da diết: bởi Tết đang tới nghĩa là Tết đang qua, nghĩa là ngày phải rời đi vốn đã không xa nay lại gần hơn bao giờ hết…

Hà Nội một ngày đầu xuân,

Hành lí vốn đã đầy ắp quần áo, bánh trái nay còn mang theo kí ức và kỉ niệm của những ngày trở về ngắn ngủi nhưng đầy trân quý khiến bước chân người ra đi càng thêm nặng trĩu. Tôi bước lên chuyến bay quay trở lại Úc, trở lại với ngôi nhà thứ hai của mình, trở lại với cuộc sống bận rộn thường nhật, với bộn bề dồn dập, với chương tiếp theo của câu chuyện muôn thuở lâu năm: “Bao giờ lại tới Tết?”

(Ảnh sưu tầm: Internet)

Leave a comment